Bisoprolol là loại thuốc được chỉ định điều trị bệnh tăng huyết áp, suy tim với phân suất tống máu giảm. Bằng cách giảm nhu cầu oxy của tim, thuốc giúp giảm các triệu chứng cho bệnh nhân bị khó thở, đau thắt ngực do bệnh mạch vành, suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ,…
Bisoprolol là thuốc gì?
Bisoprolol là loại thuốc thuộc nhóm thuốc chẹn beta, tác dụng chọn lọc thụ thể beta - 1, làm giảm nhịp tim, giảm sức co bóp cơ tim, nên giảm nhu cầu sử dụng oxy của cơ tim.
Bisoprolol có tác dụng gì?
Bisoprolol được hấp thụ hoàn toàn qua đường tiêu hóa và ít bị chuyển hóa lần đầu qua gan. Nồng độ thuốc trong huyết tương đạt đỉnh từ 2 - 4 giờ sau khi uống. Bisoprolol có tác dụng: (1)
- Kiểm soát tình trạng tăng huyết áp và giúp duy trì huyết áp được ổn định.
- Kiểm soát các cơn đau thắt ngực.
- Phối hợp đa trị liệu trên bệnh nhân suy tim mạn tính với phân suất tống máu giảm.
Đối tượng chỉ định sử dụng Bisoprolol
Bisoprolol thuốc được chỉ định để điều trị cho các đối tượng sau:
- Người bị cao huyết áp: Bisoprolol là lựa chọn hiệu quả cho những người có huyết áp cao kèm nhịp tim nhanh, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim.
- Người bị đau thắt ngực: Bisoprolol thích hợp cho những bệnh nhân có các cơn đau thắt ngực do bệnh động mạch vành. Bằng cách giảm nhu cầu oxy của tim, Bisoprolol giúp giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn đau thắt ngực, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
- Người bị suy tim với phân suất tống máu giảm (PSTTM) mãn tính: Bisoprolol giúp cải thiện chức năng tim giảm các triệu chứng như khó thở, cải thiện chất lượng cuộc sống và tử vong.
Bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất và giảm thiểu nguy cơ gặp phải tác dụng phụ.
Các dạng và hàm lượng thuốc Bisoprolol
Thuốc Bisoprolol được bào chế dưới dạng viên nén bao phim với các hàm lượng như sau: 1,25 mg; 2,5 mg; 3,75 mg; 5 mg; 7,5 mg; 10 mg.
Cách dùng và liều dùng Bisoprolol
Liều dùng của thuốc tùy thuốc tình trạng của từng bệnh nhân. Do đó, người bệnh khi sử dụng thuốc cần có sự chỉ định của bác sĩ điều trị để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả. Sau đây là một số liều thông thường có thể tham khảo: (2)
Liều tham khảo cho bệnh nhân huyết áp cao:
- Liều khởi đầu: Uống 2.5mg - 5mg Bisoprolol 1 lần/ngày.
- Liều duy trì: Uống duy trì từ 5 - 20mg Bisoprolol 1 lần/ngày.
Liều tham khảo cho bệnh nhân suy tim sung huyết:
- Liều khởi đầu: Uống 1,25mg Bisoprolol 1 lần/ngày, điều chỉnh liều sau 2-4 tuần
- Liều duy trì: 10mg/ngày, hoặc liều tối đa mà bệnh nhân dung nạp
Liều cho bệnh nhân phòng ngừa đau thắt ngực:
- Liều khởi đầu: Uống 2.5mg - 5mg Bisoprolol 1 lần/ngày, điều chỉnh liều theo đáp ứng của bệnh nhân.
- Liều duy trì: là liều ngăn ngừa cơn đau thắt ngực, tối đa là 20mg 1 lần/ngày.
Liều cho bệnh nhân nhịp tim nhanh trên thất:
- Liều khởi đầu: Uống 5mg Bisoprolol 1 lần/ngày.
- Liều duy trì: là liều cần thiết để kiểm soát nhịp tim nhanh, có thể tăng liều lên 10mg- 20mg/ngày
Điều chỉnh liều cho bệnh nhân suy thận:
- không điều chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận nhẹ đến trung bình
- suy thận nặng-suy thận giai đoạn cuối, liều thuốc không quá 10mg/ngày
Nên dùng Bisoprolol trong bao lâu?
Hãy nhớ rằng thuốc Bisoprolol sẽ không chữa khỏi bệnh cao huyết áp, suy tim nhưng nó giúp kiểm soát và ổn định huyết áp, suy tim. Tự ý ngưng điều trị sẽ nhận các hậu quả nghiêm trọng như đột quỵ, suy tim và tử vong.
Tác dụng phụ của thuốc Bisoprolol khi trị bệnh tim mạch
Bisoprolol có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Sau đây là một số tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng người bệnh có thể gặp khi sử dụng thuốc Bisoprolol:
1. Tác dụng phụ phổ biến
- Chóng mặt, mất thăng bằng, ngất.
- Nhức đầu, dị cảm, mất cảm giác.
- Chứng trầm cảm, buồn ngủ, mất ngủ, rối loạn giấc ngủ.
- Lo lắng, bồn chồn, giảm sự tập trung, giảm trí nhớ.
- Nhịp tim chậm, đánh trống ngực, rối loạn nhịp tim.
- Lạnh tay chân, khập khiễng, hạ huyết áp.
- Đau ngực, suy tim sung huyết, khó thở khi gắng sức.
- Khó tiêu, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, táo bón.
- Viêm loét dạ dày tá tràng.
- Đau cơ, đau khớp, đau lưng, đau cổ, co giật.
- Phát ban, mụn trứng cá, eczema, bệnh vẩy nến.
- Kích ứng da, ngứa, đỏ bừng mặt, đổ mồ hôi nhiều.
- Rụng tóc, viêm da, phù mạch, viêm da tróc vảy, viêm mạch máu ở da.
- Rối loạn thị giác, đau mắt, tăng áp.
- Chảy nước mắt bất thường, ù tai, giảm thính lực.
- Đau tai, thay đổi vị giác
- Bệnh suyễn, co thắt phế quản, viêm phế quản.
- Ho, khó thở, viêm họng, viêm mũi, viêm xoang.
- Giảm ham muốn tình dục, bất lực.
- Viêm bàng quang, đau quặn ở thận, tiết niệu.
- Phù, tăng cân, phù mạch.
Gọi ngay cho bác sĩ hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi xuất hiện một số triệu chứng như:
- Phát ban, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi, hoặc họng.
- Nhịp tim chậm, nhanh, hoặc tim đập bất thường.
- Đau ngực, cảm giác muốn ngất xỉu.
- Lú lẫn, ảo giác.
- Khó thở, ngay cả khi gắng sức nhẹ.
- Sưng mắt cá chân hoặc bàn chân; đau hoặc rát khi đi tiểu.
- Tê, ngứa, hoặc cảm giác lạnh ở bàn tay và bàn chân.
2. Một số tác dụng phụ ít nghiêm trọng
- Khô miệng, buồn nôn, nôn, đau dạ dày.
- Tiêu chảy, táo bón, đi tiểu nhiều.
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, ù tai.
- Mệt mỏi, yếu trong người.
- Mất ngủ, buồn ngủ, chóng mặt, choáng váng.
- Trầm cảm, lo lắng, cảm giác bồn chồn.
- Đau khớp hoặc đau cơ.
- Ngứa nhẹ hoặc nổi mẩn trên da.
- Mất cảm hứng trong quan hệ vợ chồng.
Người bệnh cần chia sẻ ngay với bác sĩ khi có các triệu chứng của tác dụng ngoài ý khi uống Bisoprolol, để được theo dõi và chữa trị kịp thời.
Những rủi ro khi dùng Bisoprolol là gì?
Bisoprolol bắt đầu hoạt động sau khoảng 2 giờ uống thuốc, nhưng cần từ 2 đến 6 tuần để thuốc có tác dụng ổn định.
Các tác dụng phụ có thể có bất kỳ thời điểm nào trong quá trình điều trị, người bệnh nên theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên để đánh giá hiệu quả điều trị và kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường của cơ thể sau khi sử dụng thuốc. (3)
Quá liều và quên liều
1. Cần làm gì khi dùng thuốc Bisoprolol quá liều?
Các triệu chứng phổ biến khi sử dụng quá liều Bisoprolol bao gồm: Nhịp tim chậm, huyết áp giảm, co thắt phế quản, suy tim cấp, hạ đường huyết. Trong các trường hợp nặng, có thể gây ra mê sảng, hôn mê, co giật và ngừng hô hấp.
Do đó, khi sử dụng quá liều người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời.
2. Cần làm gì khi quên liều thuốc Bisoprolol?
Nếu bạn quên uống một liều thuốc, hãy uống nó ngay khi nhớ. Tuy nhiên, nếu gần đến thời gian uống liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã bỏ quên và tiếp tục theo lịch trình như bình thường. Đừng bao giờ uống gấp đôi liều đã quên.
Tương tác thuốc
1. Bisoprolol tương tác với các loại thuốc nào?
Người bệnh cần lưu ý không nên dùng cùng lúc với Bisoprolol với một số thuốc khác để tránh sự tương tác, sau đây là một số thuốc bạn cần lưu ý bao gồm:
- Không nên kết hợp Bisoprolol với các thuốc chẹn beta khác
- Sử dụng Bisoprolol cần thận trọng khi kết hợp với các thuốc ức chế co bóp cơ tim hoặc ức chế dẫn truyền nhĩ - thất, như một số thuốc chẹn kênh canxi như verapamil và diltiazem.
- Các thuốc chống viêm không steroid có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp của Bisoprolol.
- Sử dụng đồng thời rifampicin, barbiturat có thể tăng quá trình chuyển hóa và làm giảm nồng độ Bisoprolol trong huyết tương.
- Cimetidin, hydralazin ảnh hưởng đến sự thanh thải của Bisoprolol.
- Các thuốc chẹn beta-adrenergic có thể tăng tác dụng làm chậm nhịp tim khi kết hợp với digoxin.
- Nguy cơ phản ứng phản vệ: Trong khi sử dụng Bisoprolol, người bệnh có nguy cơ phản ứng phản vệ nặng với các dị nguyên khác nhau có thể phản ứng mạnh hơn với việc sử dụng lặp lại các thuốc.
2. Bisoprolol tương tác với bia rượu và thức ăn
Bạn có thể uống Bisoprolol cùng lúc hoặc không cùng với thức ăn, do sự hấp thụ Bisoprolol không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Tuy nhiên, rượu bia có thể gây tác dụng an thần và hạ huyết áp quá mức do đó không nên sử dụng rượu bia khi dùng thuốc Bisoprolol.
Cách bảo quản thuốc Bisoprolol
Thuốc cần được bảo quản trong nhiệt độ dưới 30 độ C trong bao bì kín, tránh ánh sáng trực tiếp. Để thuốc ở nơi khô ráo thoáng mát và tránh xa tầm tay trẻ em.
Lưu ý khi sử dụng thuốc Bisoprolol
Trước khi bắt đầu sử dụng Bisoprolol, người bệnh cần nắm một số lưu ý sau đây: (4)
- Thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc kê đơn và không kê đơn, các loại vitamin, thực phẩm bổ sung mà bạn đang dùng hoặc dự định sử dụng trong khi dùng Bisoprolol. Bác sĩ có thể cần điều chỉnh liều lượng thuốc hoặc theo dõi tình trạng người bệnh cẩn thận để phát hiện các tác dụng phụ.
- Thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang gặp tình trạng nhịp tim chậm, không đều hoặc suy tim.
- Thông báo cho bác sĩ nếu người bệnh từng mắc bệnh hen suyễn, bệnh phổi, gan, thận, tiểu đường, vấn đề về tuần hoàn ngoại biên hoặc bất kỳ bệnh lý nào khác.
- Thông báo cho bác sĩ nếu bạn từng có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với một loại thực phẩm hoặc bất kỳ chất nào khác trước đây.
- Thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai, dự định mang thai hoặc đang cho con bú. Nếu phát hiện mang thai trong khi dùng Bisoprolol, hãy gọi cho bác sĩ để được chỉ định tốt nhất cho mẹ và bé.
- Bạn nên biết rằng Bisoprolol có thể làm bạn buồn ngủ. Do đó, đừng lái xe hoặc vận hành máy móc khi sử dụng thuốc.
- Bạn nên biết rằng Bisoprolol có thể che giấu các dấu hiệu hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường. Hãy thông báo cho bác sĩ nếu bạn bị rối loạn tiêu hoá khi bạn đang dùng Bisoprolol.
Câu hỏi thường gặp về thuốc Bisoprolol
1. Khi nào nên sử dụng Bisoprolol?
Thuốc Bisoprolol được sử dụng cho những bệnh nhân bị tăng huyết áp, đau thắt ngực và suy tim PSTM giảm mạn tính. Tuy nhiên, người bệnh muốn sử dụng thuốc cần có sự chỉ định của bác sĩ.
2. Dùng Bisoprolol khi mang thai được không?
Bisoprolol là loại thuốc có thể sử dụng trong thời kỳ mang thai. Nếu bạn đang có ý định mang thai hoặc phát hiện mang thai, hãy thảo luận với bác sĩ về những lợi ích và tác hại có thể xảy ra khi dùng Bisoprolol.
3. Khi nào có thể ngừng sử dụng Bisoprolol?
Không ngừng hoặc dừng thuốc đột ngột mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Một số tình trạng có thể trở nên tồi tệ hơn khi tự ý ngừng thuốc đột ngột, điều này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị trực tiếp với các bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ theo thông tin sau:
Bisoprolol là loại thuốc được sử dụng dùng để điều trị vấn đề tăng huyết áp, có hiệu quả tương đương với các loại thuốc chẹn beta khác. Tuy nhiên, thuốc cũng có thể xảy ra một số phản ứng tùy vào thể trạng của từng người bệnh. Do đó, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ định sử dụng phù hợp nhất với cơ thể.