Những quy tắc nghiêm ngặt về lễ giáo
Thời phong kiến, câu nói “nam nữ thụ thụ bất thân” dường như đã trở thành câu cửa miệng mà bất cứ bậc cha mẹ, người lớn tuổi nào cũng đều lấy ra để răn dạy con cháu, và thanh niên, nam nữ cũng phải thuộc nằm lòng.
Câu nói này xuất phát từ sách Lễ Ký (Kinh Lễ, một trong “Tứ Thư Ngũ Kinh”) của Nho gia. Ý nghĩa của câu nói chính là giữa nam và nữ cần giữ khoảng cách, không nên có hành động gần gũi, thân mật với nhau.
Lễ Ký (Kinh Lễ) vốn là một bộ sách ghi chép về các nghi lễ trong xã hội từ thời xa xưa, được Khổng Tử chỉnh sửa lại, rồi lại tiếp tục được các thế hệ học trò của Khổng Tử bổ sung để tạo thành một bộ sách hoàn chỉnh như ngày nay. Ban đầu, sách Lễ Ký viết: Nam nữ bất tạp tọa, bất thi gia, bất cân trất, bất thân thụ, tẩu thúc bất thông hướng.
Lễ Ký đề cập: Nam và Nữ không được phép ngồi lẫn với nhau, không được dùng chung lược, không được đón đồ vật tay qua tay, không nên trực tiếp đi tặng quà và nhận quà, hạn chế việc tiếp xúc các bộ phận trên cơ thể giữa hai giới.
Đặc biệt, chị dâu và em trai chồng khi nói chuyện không được nhìn thẳng vào mắt nhau, không nên có quá nhiều hành động gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp. Khi về làm dâu, người phụ nữ phải nghe lời chồng. Nếu gia đình chồng có chuyện gì họp bàn thì người làm dâu không được phép chen vào. Đặc biệt là khi có cỗ bàn thì nữ ăn nhà dưới nam ăn chiếu trên.
Sau này, “nam nữ thụ thụ bất thân”, trở nên phổ biến từ một ghi chép của Mạnh Tử trong tập “Mạnh Tử - Ly Lâu thượng”. Câu nói “nam nữ thụ thụ bất thân” và hệ tư tưởng nói trên đã dần dà thấm nhuần trong đời sống người dân Trung Quốc xưa kia, và lan ra các nước Á Đông có cùng hệ tư tưởng Nho gia, trong đó có Việt Nam.
Theo quan niệm xưa, người đàn ông và người đàn bà trao cho nhau cái gì, nhận của nhau cái gì, đều không trực tiếp trao tận tay. Chẳng hạn hai người muốn mời nhau ăn trầu, thì người chủ têm trầu, xếp vào cơi trầu, đặt giữa bàn, khách tự nhặt lấy mà ăn.
Ngay từ tuổi thơ, người Việt xưa đã sớm hình thành sự ngăn cách giới tính. Thời phong kiến, chỉ những người có tư tưởng tân tiến mới cho con gái đi học, và có đi học thì con trai ngồi riêng con gái ngồi riêng, thậm chí có trường riêng cho nam nữ. Trai gái đi cùng nhau, vui chơi cùng nhau bị bạn bè cùng lứa chế nhạo. Có hội hè đình đám cũng phải phân biệt đàn ông đứng bên trái, đàn bà đứng bên phải.
Vợ chồng cũng phải “giữ lễ” không quá thân mật gần gũi nhau trong quan niệm xưa. (Nguồn: Internet).
Hai người khác giới vô ý chạm vào nhau có thể bị coi là cử chỉ không đứng đắn. Người nam có cử chỉ thân mật, suồng sã sẽ bị người đời chê cười, khinh ghét. Còn các cô gái trẻ, nếu “quá phận”, không biết giữ kẽ thì sẽ bị xóm làng đàm tiếu, đánh giá xấu về nhân phẩm, dẫn đến khó khăn trong việc cưới gả. Chính vì thế, đàn ông xưa phải chuẩn mực, giữ lễ thì mới được coi là “người quân tử”, còn con gái thì đoan trang, giữ thân thì mới được coi là có giá trị, và các bậc cha mẹ đều khư khư “giữ rịt” con gái mình, không cho tiếp xúc với đàn ông lạ. Các nhà quyền quý thường “cấm cung” con gái, nhiều cô gái đến khi lấy chồng mới biết được cuộc sống bên ngoài là thế nào.
Nam nữ thời xưa muốn qua lại tìm hiểu nhau không phải là điều dễ dàng, muốn trao nhận cái gì đều không được đưa trực tiếp, nên thời đó mới có những câu chuyện tình trao gửi qua ánh mắt, lén nhìn nhau. Cùng với đó là những cuộc hôn nhân sắp đặt, không có sự tìm hiểu trước giữa hai người, đến khi đã xong các thủ tục mới chính thức biết nhau.
Trong sinh hoạt hàng ngày, ở thành thị, vợ chồng nằm ngủ với nhau một giường là chuyện bình thường, nhưng ở nông thôn việc đàn bà nằm nhà trong, đàn ông nhà ngoài đã trở thành nếp. Vợ chồng cũng phải “tương kính như tân”, nghĩa là đối xử với nhau như khách. Hai vợ chồng phải biết giữ lễ, chừng mực, luôn kính trong nhau như ngày mới, không có thái độ suồng sã, quá phận với nhau.
Dấu tích trong sử xưa
“Nam nữ thụ thụ bất thân” không phải là “luật bất thành văn” mà đã đi vào chế định pháp luật của nhiều quốc gia Á Đông, trong đó có Việt Nam. Trong lịch sử Việt Nam, những ghi chép về cấm kỵ, giới hạn trong tiếp xúc nam nữ, việc đề cao hay bỏ qua chuẩn mực đạo đức “Nam nữ thụ thụ bất thân” xuất hiện khá dày. Điều đó chứng tỏ đây là lĩnh vực quan trọng trong mắt chính quyền cũng như nhà chép sử, đặc biệt là các sử gia nhà Nho.
Trong Hồng Đức thiện chính thư có viết: “Răn dạy con trai con gái không được ngồi chung chiếu, không được tắm chung bến, khi trao và nhận vật gì không được chạm tay nhau”. Cuối thế kỷ XVIII sang đầu thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn, mọi cấm kỵ về giới hạn cách biệt nam nữ càng được đẩy mạnh, đặc biệt bắt đầu dưới thời Minh Mạng. Tuy nhiên, từ thời điểm này, một số nhà Nho nước ta đã có dịp đi sứ sang phương Tây, “nhìn ra thế giới”, nhiều luồng tư tưởng cấp tiến bắt đầu được hình thành.
Tháng 12 năm 1878, nhân dịp Nguyễn Tăng Doãn và Nguyễn Thành Ý đi Tây về, vua Tự Đức đã hỏi han các câu chuyện ở phương Tây. Tình cờ trong cuộc trò chuyện, hai quan đã kể cho nhà vua nghe câu chuyện về nam nữ bên Tây không có khoảng cách, giới hạn. Trong đó có đoạn về khiêu vũ: “Duy có yến hội nhảy đầm thì không cứ thân hay sơ, một người đàn ông, một người đàn bà, cầm tay nhau đứng múa đi vòng quanh”. Câu chuyện này khiến vua Tự Đức nổi giận vì “tâu bày lại phần nhiều nói hão”.
Đầu thế kỷ XX, nhà Nho tân học Phan Kế Bính đã than thở trong Việt Nam phong tục: “Tục Âu châu, vợ chồng thủ tín với nhau thì thôi (...). Ta thì kỹ kiêng quá: nào ngồi nói chuyện với đàn ông cũng kiêng, đụng tay vào đàn ông cũng kiêng, đến cả vợ chồng đi với nhau ở ngoài đường cũng kiêng nốt”.
Từ thời điểm này, nhiều luồng tư tưởng mới mẻ, tiến bộ trong văn hóa phương Tây bắt đầu du nhập vào Việt Nam, xã hội Việt Nam trải qua những ngày tháng đổi thay từ trong cách ăn mặc, tư duy cho đến tư tưởng nam nữ bình quyền, và quan niệm “nam nữ thọ thọ bất thân” dần dà bị đẩy lùi.
Có thể nói, tư tưởng “nam nữ thụ thụ bất thân” kéo dài xuyên suốt trong chế độ xã hội phong kiến, mãi đến đầu thế kỷ 20 mới dần cởi mở hơn nhưng lúc này, mối quan hệ nam nữ vẫn còn trong khuôn khổ. Mỗi giai đoạn lịch sử mỗi khác, ngày nay các nhà nghiên cứu chưa bao giờ phủ nhận rằng quan niệm ấy cũng góp phần không nhỏ trong việc duy trì trật tự xã hội ở một giai đoạn nhất định, tạo nên nền tảng đạo đức, và một số lời răn dạy về lễ giáo, cách hành xử thực ra vẫn còn có giá trị đến ngày nay, nếu ta biết ứng dụng hợp lý.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, “nam nữ thụ thụ bất thân” đây đó vẫn còn tồn tại những ảnh hưởng ở mặt tiêu cực. Một số làng quê Việt Nam, trai gái vẫn bị, ngăn trở khi tiếp xúc thân mật, tự do yêu đương. Nhiều cô gái có cử chỉ phóng khoáng vẫn bị chê trách, đàm tiếu. Ở một mức độ lệch lạc, tư tưởng này khi ăn sâu vào trong quan niệm, hình thành thông qua giáo dục cổ hủ của nhiều thế hệ, đã khiến không ít gia đình vẫn còn đối xử khá “phong kiến” với nhau. Chồng, cha chính là “bậc trên cao”, có vị trí khác biệt với những người khác trong nhà.
Trong một gia đình, cha con, chồng vợ cũng phải giữ một khoảng cách nhất định với nhau. Và chính vì thế, việc có lời nói thân mật, cử chỉ thương yêu, những hành động bày tỏ cảm xúc với nhau cũng trở nên hiếm hoi, khó khăn, thậm chí không hề có. Điều này đã ngăn trở sự cởi mở yêu thương, khiến người nhà trở nên xa cách nhau hơn, cũng là hệ lụy dẫn đến sự thiếu bình đẳng giữa vợ chồng, giữa các thành viên trong gia đình, khoảng cách lớn không thể xóa nhòa giữa các thế hệ.