Lễ cúng Tất niên trong phong tục của người Việt Nam là nghi thức tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới. Vì vậy, mâm cúng Tất niên cũng cần có sự chuẩn bị cẩn thận, chỉn chu và trang trọng.
Chiều 30 Tết, các gia đình nên chuẩn bị 2 mâm, mâm cúng Tất niên và mâm cúng Giao thừa. Để cúng tất niên, người ta thường làm hai mâm cỗ, một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ trong nhà và một mâm cúng trời đất, âm linh, cô hồn ở khoảng sân trước nhà. Mỗi mâm cỗ được chuẩn bị tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình, gọi là “tùy tiền mãi lễ”, đừng quá lãng phí mà nên “lễ bạc lòng thành”, thần linh sẽ cảm ứng và chứng giám.
Mâm cỗ cúng tất niên gồm những gì?
Trong mâm cúng Tất niên, hương và đèn là 2 vật không thể thiếu. Hương tượng trưng cho các vì sao, kết nối giữa âm với dương, còn đèn tượng trưng cho Mặt trăng, Mặt trời nên thường trên bàn thờ sẽ có đủ 2 cây đèn. Tùy theo văn hóa tín ngưỡng của từng gia đình, văn hóa từng vùng miền, địa phương mà có thêm những vật khác nhau để tượng trưng cho tấm lòng của gia đình, cầu tài, cầu lộc hay cầu bình an trong gia đạo.
Một lễ không thể thiếu trong mâm cúng tất niên là mâm ngũ quả, gồm 5 loại khác nhau, mỗi loại tượng trưng cho một ước nguyện của gia chủ, thông qua tên gọi và màu sắc. Mâm này không được dùng hoa quả xanh hay hoa quả giả bằng nhựa, các loại quả đều phải là loại ăn được và thông dụng, đẹp mắt, không bị sâu hoặc dập. Mâm ngũ quả cần được đặt 2 bên bàn thờ, không được đặt ở trước bát hương.
Các món ăn trên mâm cỗ mặn sẽ được làm thịnh soạn hơn so với ngày thường và tùy thuộc vào văn hóa vùng miền sẽ có những món khác nhau.
Mâm cỗ mặn gồm các món thông dụng sau, các gia đình có thể tùy ý thay đổi, thêm bớt:
- Miền Bắc: Thường chuẩn bị mâm cơm cúng rất chu toàn và tỉ mỉ với nhiều món ăn truyền thống như gà luộc, canh măng, miến xào, nem, xôi, bánh chưng, dưa muối, giò lụa, giò xào…
- Miền Trung: Không quá cầu kỳ, tỉ mẩn như người Bắc, các món ăn trên mâm cúng tất niên khá đơn giản, thường có giò lụa, thịt gà, thịt heo, bánh chưng, bánh tét kèm với đĩa hành muối...
- Miền Nam: Do thời tiết ngày Tết nóng hơn so với miền Trung và miền Bắc nên thực đơn cúng tất niên thường có canh khổ qua, chả giò, thịt kho trứng, gỏi tôm thịt, bánh tét ăn kèm với củ kiệu...
Nếu cúng chay, mâm cỗ tất niên có thể gồm các món sau:
- Rau củ xào chay
- Canh rau củ nấu chay: Nguyên liệu gồm bắp non, nấm rơm, nấm đông cô, bạch quả, đậu hà lan, đậu phụ, cà rốt, củ cải trắng, ngoài ra có hành, ngò để trang trí, gia vị các loại.
- Đậu phụ chiên xào nấm tươi: Cắt ngay ngắn những miếng đậu hũ thành dải mỏng, đem chiên chín và xào với nấm tươi, hành cùng các loại gia vị, rau thơm khác.
- Miến xào chay: Phi hành thơm, cho cà rốt, đậu que, súp lơ vào xào qua. Tiếp theo cho nấm rơm, đậu hũ xào vừa mềm, nêm một chút muối ăn. Khi các hỗn hợp thấm gia vị, đổ miến đã ngâm mềm và để ráo nước vào, đảo nhẹ tay. Món ăn chín tới thì cho ra đĩa, rắc thêm tiêu, ớt, hành ngò cho đẹp mắt.
- Giò, chả chay
- Xôi gấc.