Bỏng bô xe máy là một dạng bỏng thường gặp, dễ để lại sẹo khi không được sơ cứu và chăm sóc đúng cách. Vậy chăm sóc trẻ bị bỏng bô xe máy như thế nào để vết thương nhanh hồi phục, không bị sẹo?
Các mức trẻ em bị bỏng bô xe máy
Bô xe là một bộ phận trên xe máy, có chức năng đưa khí thải của động cơ ra bên ngoài. Lượng khí này rất nóng nên khi xe máy đang hoạt động hoặc mới tắt máy, bô xe sẽ rất nóng, có thể gây bỏng ở trẻ nếu không may tiếp xúc trực tiếp với bô xe. Bỏng bô thường xảy ra ở tay và chân của trẻ, kích thước nhỏ. (1) Dựa vào các triệu chứng, mức độ tổn thương, bỏng bô xe máy được chia làm 3 cấp độ:
1. Bỏng bô xe máy cấp độ 1
Bỏng bô xe máy cấp độ 1 là cấp độ nhẹ nhất và thường không để lại sẹo. Vết bỏng không bị phồng rộp. Trẻ bị sưng đỏ, nóng rát tại vị trí bị bỏng.
2. Bỏng bô xe máy cấp độ 2
Trẻ bị bỏng bô xe máy cấp độ hai thường có các triệu chứng như nóng rát, sưng đỏ, xuất hiện phồng rộp. Bên trong nốt phồng rộp chứa dịch màu vàng trong.
3. Bỏng bô xe máy cấp độ 3
Bỏng bô cấp độ 3 không thường gặp nhưng nếu xảy ra, trẻ cần được sơ cứu nhanh chóng và đưa đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và điều trị phù hợp, bảo toàn chức năng của mô, da, dây thần kinh. Nhiệt độ cao khiến vùng da bị bỏng bị tổn thương nghiêm trọng, tác động đến các tổ chức bên dưới da như gân, dây thần kinh. Tuy vậy, trẻ bỏng độ 3 thường sẽ không có cảm giác đau đớn dữ dội như các trường hợp bỏng nhẹ hơn bởi dây thần kinh bị tổn thương khiến khả năng dẫn truyền cảm giác đau kém hơn.
Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị bỏng bô xe máy
Chăm sóc trẻ bị bỏng bô xe máy đúng cách giúp rút ngắn thời gian hồi phục vết thương, giảm nguy cơ hình thành sẹo, đặc biệt ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng.
1. Thay băng hàng ngày
Vệ sinh vết bỏng, thay băng hàng ngày là bước quan trọng trong chăm sóc trẻ bị bỏng bô. Thao tác thay băng cần nhẹ nhàng, tránh làm vỡ vết phồng rộp làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Hướng dẫn thay băng hàng ngày cho trẻ bị bỏng bô xe máy:
- Bước 1: Tháo băng cũ.
- Bước 2: Dùng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn và bông gòn sạch nhẹ nhàng rửa vết thương cho trẻ.
- Bước 3: Dùng bông gòn sạch lau khô vết bỏng.
- Bước 4: Thoa thuốc (nếu có chỉ định của bác sĩ).
- Bước 5: Dùng miếng gạc sạch, vô trùng đặt lên bề mặt vết bỏng và băng lại.
2. Bôi thuốc trị bỏng bô xe máy cho trẻ
Trẻ bị bỏng cần được đưa đến bệnh viện để bác sĩ khám và tư vấn chăm sóc, điều trị phù hợp, đúng cách. Thuốc điều trị bỏng cho trẻ có thể bao gồm thuốc giảm đau, kháng sinh… Khi sử dụng cho trẻ, cần tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc, điều chỉnh liều lượng thuốc, loại thuốc hay tự điều trị bỏng cho trẻ bằng các phương pháp dân gian.
Trẻ bị bỏng bô xe máy nên ăn gì?
Sẽ cần một khoảng thời gian để vết bỏng khô lại và tạo da mới. Giai đoạn này, bố mẹ nên chú ý bổ sung dinh dưỡng phù hợp, đủ chất và lành mạnh cho trẻ nhằm tăng cường quá trình lành vết thương, hỗ trợ hệ miễn dịch, ngăn ngừa biến chứng và rút ngắn thời gian điều trị. Một số thực phẩm cần thiết cho trẻ đang bị bỏng như: (2)
1. Bổ sung thực phẩm giàu đạm
Bổ sung thực phẩm giàu đạm (protein) là rất quan trọng trong quá trình hồi phục của trẻ bị bỏng, vì đạm giúp tái tạo mô và tăng cường khả năng phục hồi. Một số nguồn bổ sung protein như thịt, cá, trứng, đậu hũ, các loại hạt, đậu và các sản phẩm từ sữa.
2. Carbohydrate
Lượng carbohydrate chứa trong các thực phẩm như ngũ cốc, trái cây, sữa, các loại đậu… sẽ được cơ thể chuyển hóa thành glucose - nguồn năng lượng chính cho các hoạt động của cơ thể, đặc biệt là quá trình lành vết thương. Khi được cung cấp đủ carbohydrate, cơ thể có thể tập trung sử dụng protein để tái tạo cơ bắp thay vì chuyển hóa protein thành năng lượng.
3. Chất béo lành mạnh
Thực phẩm chứa nhiều chất béo lành mạnh giúp bổ sung năng lượng cho cơ thể, tăng cường miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm trùng, chống viêm. Một số thực phẩm chứa nhiều chất béo lành mạnh, omega-3 bố mẹ nên bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ như dầu oliu, bơ, các loại hạt, cá béo.
4. Sắt
Sắt là một khoáng chất thiết yếu, tham gia vào quá trình quan trọng của cơ thể như tạo máu, tổng hợp hemoglobin, phát triển não bộ và tăng cường hệ miễn dịch. Khi bị bỏng, cơ thể cần nhiều sắt hơn để hỗ trợ quá trình tái tạo mô và vận chuyển oxy đến các vùng bị tổn thương.
Có hai dạng sắt trong thực phẩm:
- Sắt heme từ nguồn động vật như thịt đỏ, cá và gia cầm, có khả năng hấp thu cao (khoảng 30%).
- Sắt non - heme từ nguồn thực vật như rau, trái cây và các loại hạt, có khả năng hấp thu thấp hơn (2 - 10%).
Bố mẹ nên cho trẻ ăn cả hai dạng thực phẩm này để đảm bảo bổ sung đủ sắt cho trẻ, đồng thời giúp bữa ăn trở nên đa dạng, cuốn hút hơn.
5. Kẽm
Kẽm chứa nhiều trong các thực phẩm như thịt đỏ (thịt bò), hải sản và ngũ cốc nguyên hạt. Đây là một trong những khoáng chất quan trọng đối với quá trình làm lành vết thương, giảm nguy cơ hình thành sẹo.
6. Bổ sung vitamin A
Vitamin A giúp tăng sức đề kháng, ngăn ngừa nhiễm trùng và thúc đẩy quá trình liền vết thương. Một số thực phẩm giàu vitamin A, tốt cho sức khỏe bố mẹ nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày của trẻ như trứng, dầu cá, rau lá xanh (rau bina, bông cải xanh, cải xoăn…), rau quả có màu cam và vàng (cà rốt, khoai lang, bí đỏ…).
7. Bổ sung vitamin C
Các loại trái cây như cam, quýt, dứa, rau lá xanh… là những nguồn vitamin C dồi dào. Việc tăng cường vitamin C cho trẻ bị bỏng sẽ giúp trẻ tăng cường đề kháng, hỗ trợ hệ miễn dịch, đẩy nhanh quá trình tái tạo da và các mô liên kết, làm lành vết thương. Ngoài ra, vitamin C còn có tác dụng tăng cường khả năng hấp thụ sắt và một số dưỡng chất khác.
8. Vitamin và khoáng chất khác
Bên cạnh các dưỡng chất trên, bố mẹ cũng cần chú ý thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, tăng cường bổ sung các vitamin và khoáng chất khác như vitamin B, đồng, selen… Bố mẹ nên cho trẻ thực hiện một số xét nghiệm vi chất và tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn, có phương pháp bổ sung phù hợp.
9. Nước
Bỏng khiến trẻ bị mất nước, đặc biệt là khi bỏng nặng, diện tích lớn. Nước giúp cơ thể điều hòa thân nhiệt, tăng tuần hoàn máu, tăng khả năng hấp thu dưỡng chất, góp phần quan trọng vào quá tình tái tạo da. Do đó, bố mẹ nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước hơn, đảm bảo bổ sung đủ nước cho cơ thể, ngăn ngừa mất nước.
Lưu ý: Nhiều quan điểm cho rằng khi trẻ có vết thương trên da, cần tránh cho trẻ ăn những thực phẩm như tôm, cá, thịt gà, thịt bò… vì sợ sẽ để lại sẹo, mất thẩm mỹ. Tuy nhiên, hiện chưa nghiên cứu khoa học nào chứng minh rõ ràng về điều này. Trẻ bị thương, bị bỏng, điều quan trọng nhất là đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng và năng lượng để có thể hồi phục tốt. Trường hợp bỏng nghiêm trọng, diện tích vết bỏng lớn, bố mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn phù hợp.
Trẻ bị bỏng bô xe máy nên kiêng gì?
Hiện chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy trẻ bị bỏng bô xe máy cần kiêng hoàn toàn một loại thực phẩm nào. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn nên hạn chế cho trẻ ăn những thực phẩm dưới đây cho đến khi vết bỏng lành hẳn nhằm ngăn ngừa sẹo, rút ngắn thời gian hồi phục cho trẻ:
1. Đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ
Đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ gây ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch của trẻ, làm chậm quá trình lành vết thương, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Hàm lượng dinh dưỡng trong những thực phẩm này không cao, dễ khiến trẻ bị khó tiêu, kém hấp thu dưỡng chất, thiếu hụt dinh dưỡng.
2. Đồ ngọt, thức ăn nhanh
Trẻ bị bỏng nên hạn chế ăn đồ ngọt và thức ăn nhanh bởi đây là những thực phẩm thường chứa nhiều đường và chất béo không lành mạnh, ít dinh dưỡng và dễ gây rối loạn tiêu hóa, không tốt cho sức khỏe của trẻ. Ăn nhiều đồ ngọt, thức ăn nhanh có thể làm tăng viêm, chậm quá trình làm lành vết thương. Thức ăn nhanh chứa nhiều muối và chất phụ gia, có thể gây tích nước và làm tăng áp lực lên vùng bị bỏng.
3. Đồ uống có ga, nước ngọt
Đồ uống có ga, nước ngọt là những loại thức uống thường chứa lượng đường cao, có thể gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phục hồi. Bên cạnh đó, uống nước có ga, nước ngọt khiến trẻ cảm thấy no, ảnh hưởng đến bữa ăn hàng ngày và trẻ sẽ uống ít nước lọc hơn. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt dưỡng chất và thiếu nước.
Cách ngừa sẹo cho trẻ bị bỏng bô xe hiệu quả
Sẹo là vấn đề khiến nhiều bố mẹ lo lắng khi trẻ bị bỏng, đặc biệt khi bỏng tại các vị trí ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ cao như vùng mặt, tay, chân… Để ngăn ngừa sẹo, trẻ cần được sơ cứu và chăm sóc đúng cách, dinh dưỡng phù hợp và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, khi quá trình hình thành da mới diễn ra, có thể bôi gel nha đam, lô hội, nghệ lên bề mặt vùng da mới để hỗ trợ quá trình phát triển của da, ngăn ngừa sẹo cho trẻ. Trẻ thường cảm thấy ngứa và có xu hướng tò mò, gãi lớp vảy trên vết thương. Điều này sẽ gây sẹo, vậy nên, cần tránh cho trẻ gãi hay quá chú ý đến vết thương. Nếu thấy vết bỏng có nguy cơ hình thành sẹo, hãy cho trẻ đến bệnh viện thăm khám để được bác sĩ tư vấn, hỗ trợ phù hợp.
Những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị bỏng bô xe máy
Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị phỏng bô xe máy bố mẹ nên biết:
2. Có nên dùng kem đánh răng bôi lên vết phỏng bô xe cho bé không?
Không. Hiện vẫn chưa có bất kỳ nghiên cứu nào kết luận tác dụng của kem đánh răng trong điều trị bỏng bô xe cho trẻ. Thoa kem đánh răng lên vết bỏng bô là một phương pháp trị bỏng dân gian được nhiều người áp dụng. Với thành phần chứa tinh dầu bạc hà, khuynh diệp, kem đánh răng giúp làm dịu cảm giác đau, nóng rát ở vết bỏng ngay lập tức nhưng không có tác dụng vào các cơ quan sâu bên trong cũng như điều trị bỏng cho trẻ.
3. Làm sao để giảm đau và làm mát vết phỏng tức thì cho bé?
Cách giảm đau và làm mát vết bỏng nhanh chóng, an toàn và hiệu quả nhất là để vùng da bị bỏng dưới dòng nước mát đang chảy nhẹ nhàng. Điều này không chỉ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn mà còn giúp làm giảm tổn thương lan sâu xuống các tổ chức dưới da, làm mát khu vực bị bỏng một cách toàn diện. Bên cạnh đó, chất bẩn, chất gây bỏng có thể trôi theo dòng nước chảy, giảm nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ. Lưu ý, tuyệt đối không giảm đau và làm mát vết bỏng cho trẻ bằng nước đá lạnh bởi điều này có thể khiến trẻ bị tổn thương nghiêm trọng hơn.
Hy vọng với những thông tin trên, quý phụ huynh đã hiểu rõ hơn về cách chăm sóc trẻ bị bỏng bô xe máy. Trẻ bị bỏng bô, bên cạnh việc xử lý, chăm sóc vết bỏng đúng cách, bố mẹ nên cảnh báo cho trẻ về mối nguy hiểm của bỏng, từ đó chủ động tránh xa các đồ cùng có thể gây bỏng, phòng ngừa bỏng.