Sở hữu bờ biển dài khoảng 3.260 km và bức xạ nhiệt cao, muối là mặt hàng thiết yếu không thể thiếu được đối với đời sống xã hội và con người. Muối không chỉ dùng để ăn, dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm mà còn dùng trong lĩnh vực y tế, trong công nghiệp hoá chất và một số ngành khác. Sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối là ngành kinh tế đang tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho khoảng 21.000 diêm dân, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, xã hội nông thôn vùng duyên hải của Việt Nam.
Nghề muối tại Việt Nam là một nghề truyền thống, có từ lâu đời (Ảnh: PV)Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), nghề muối tại Việt Nam là một nghề truyền thống, có từ lâu đời, là ngành sản xuất có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, muối có tầm quan trọng rất lớn đối với nền kinh tế quốc dân, thu hút và tạo công ăn việc làm cho hàng chục vạn diêm dân.
Ngày 23/5/1955, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 535/TTg, thành lập Sở Muối trực thuộc Bộ Tài chính để quản lý và phát triển sản xuất muối và trong thống kê kinh tế - xã hội, ngành muối (bao gồm cả sản xuất và phân phối) trở thành một ngành kinh tế quốc dân độc lập. Kể từ đó đến nay, Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ, các Bộ, ngành và địa phương ban hành nhiều hướng dẫn tổ chức triển khai phát triển của ngành muối nhằm hỗ trợ sinh kế và thu nhập cho hàng vạn hộ diêm dân (trong đó đa phần là các hộ nghèo, thu nhập thấp).
Theo thống kê, hiện nay, cả nước có khoảng 10.883 hộ sản xuất muối. Các hộ diêm dân sản xuất muối dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ban nông nghiệp các xã, thị trấn của địa phương. Lao động sản xuất muối chủ yếu là lao động thủ công, hầu hết là người già, phụ nữ, trẻ em. Diêm dân thu hoạch muối xong để thành đống trên bờ ruộng, được che phủ một cách sơ sài sau đó sẽ bán cho thương lái hoặc bán cho các cơ sở chế biến muối tại địa phương.
Số liệu báo cáo từ các địa phương cho thấy, trên cả nước hiện không có trang trại muối theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 của Bộ NN&PTNT quy định về tiêu chí kinh tế trang trại; mới có 2 Tổ hợp tác (THT) muối ở xã Hải Đông tỉnh Nam Định và xã Tri Hải tỉnh Ninh Thuận; có 37 hợp tác xã (HTX) muối tại 15 tỉnh, thành phố.
Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn, mặc dù là đất nước sản xuất muối tiềm năng, nhưng mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu từ 400.000 - 600.000 tấn muối để đáp ứng nhu cầu trong nước. Muối nội địa giá trị thấp, tồn kho nhiều. Nhiều diêm dân đã bỏ nghề, chuyển sang công việc khác, doanh nghiệp ngành muối chật vật tìm hướng đi để tồn tại. Thêm vào đó là sự cạnh tranh mạnh mẽ từ muối nhập khẩu, đặc biệt là từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Các vùng sản xuất muối trên toàn quốc đều có quy mô nhỏ lẻ, phân tán (Ảnh: PV)Các vùng sản xuất muối trên toàn quốc đều hình thành từ lâu và mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Cơ sở hạ tầng đồng muối đã từ lâu không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa thường xuyên nên các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối của diêm dân hiện nay tại hầu hết các địa phương đều rất yếu kém khiến năng suất muối không cao, đời sống diêm dân gặp nhiều khó khăn: Kênh mương cấp và tiêu nước cho đồng muối đều đã xuống cấp trầm trọng và hầu hết là dùng chung với các lĩnh vực khác như nông nghiệp, thủy sản…, cá biệt có những địa phương phải sử dụng nước ngầm (Ninh Thuận, Khánh Hòa) để làm muối. Số lượng đồng muối sản xuất theo quy mô công nghiệp còn ít so với nhu cầu. Một số tiến bộ khoa học đã được áp dụng nhưng chưa mang tính đồng bộ nên chưa phát huy được hiệu quả. Cả nước có 73 cơ sở sản xuất và chế biến muối thuộc mọi thành phần kinh tế như hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp, tuy nhiên các đơn vị này đều có quy mô nhỏ, vốn điều lệ thấp, sản lượng nhỏ, thiết bị, công nghệ, lạc hậu.
Hơn nữa, việc sản xuất muối chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công, quy mô phân tán theo hộ diêm dân (chiếm 69% diện tích), nên năng suất, chất lượng tại các đồng muối công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp hóa chất, nên vẫn phải nhập khẩu muối công nghiệp, lượng muối của các đồng muối công nghiệp chủ yếu phục vụ chế biến muối tinh cung cấp muối cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, nên cạnh tranh trực tiếp với muối do diêm dân sản xuất. Một số vùng sản xuất muối của nước ta tại các tỉnh Nam Trung Bộ (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển sản xuất muối quy mô công nghiệp nhưng chưa được quan tâm đầu tư phát triển. Ở miền Bắc Việt Nam có nhiều vùng sản xuất được những sản phẩm muối có hàm lượng NaCl thấp (muối nhạt), chứa hàng chục nguyên tố vi lượng rất tốt cho sức khỏe và làm đẹp. Sản phẩm này được nhiều quốc gia quan tâm và có nhu cầu nhập khẩu với số lượng lớn nhưng sản lượng muối chưa nhiều và chất lượng muối thấp (lẫn nhiều tạp chất) nên không đáp ứng được số lượng, và chất lượng yêu cầu nhập khẩu.
Đáng chú ý, đời sống khó khăn, kinh tế diêm dân bấp bênh, thu nhập của người dân rất thấp, diêm dân làm muối đa phần là hộ nghèo, không có vốn để đầu tư. Chưa được đào tạo, tập huấn trang bị kiến thức về kỹ thuật sản xuất muối nên hạn chế việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối. Việc mua, bán muối chưa có được sự liên kết theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp chế biến muối với các hợp tác xã, tổ hợp tác và diêm dân để ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối. Thị trường muối gần như chưa có sự quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý nên chưa xuất hiện các thương hiệu mạnh có tính chủ đạo, dẫn dắt...
Thực tế cho thấy, đặc điểm của nghề làm muối phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết tự nhiên, nên biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rõ nét trong sản xuất muối, trong những năm gần đây thường xuyên xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa gây thiệt hại lớn về sản lượng muối của diêm dân, từ đó dẫn đến năng suất muối giảm. Cả nước hiện nay chỉ một số doanh nghiệp sản xuất lớn có hệ thống kho bãi để tích trữ hàng nên chủ động được nguồn hàng và ổn định về giá, còn hầu hết các hộ diêm dân, các HTX đều không có kho hoặc rất manh mún nên vào chính vụ thì bán được giá thấp, hết vụ thì không còn hàng để bán dẫn tới hiệu quả, thu nhập của diêm dân bấp bênh. Việc cho các hộ diêm dân vay vốn đầu tư sản xuất muối cũng khó triển khai, vì thu nhập từ sản xuất muối thấp nên nhiều hộ dân gặp khó khăn trong vấn đề trả nợ ngân hàng đúng thời hạn quy định. Chính quyền các cấp chưa thực sự quan tâm đến hỗ trợ phát triển ngành muối trong nước. Hạ tầng sản xuất muối bị phá vỡ, xuống cấp; đất quy hoạch cho sản xuất muối bị xâm lấn, chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác (nuôi trồng thủy sản). Được quy định là một sản phẩm thiết yếu, nhưng mô hình kinh doanh phân phối do nhà nước đầu tư không còn.../.
Link nội dung: https://giaidap.edu.vn/gioi-thieu-ve-nghe-lam-muoi-a69613.html