Sơ yếu lý lịch là một trong những loại giấy tờ quan trọng và cần thiết khi làm hồ sơ xin việc hay học tập. Thông qua sơ yếu lý lịch, nhà tuyển dụng sẽ biết được những thông tin cơ bản về ứng viên. Một sơ yếu lý lịch được xem là hợp pháp khi được công chứng đầy đủ. Vậy, sơ yếu lý lịch công chứng ở đâu? Cần chuẩn bị các loại giấy tờ nào khác khi công chứng sơ yếu lý lịch? Khám phá câu trả lời chi tiết qua bài viết bên dưới cùng CareerViet bạn nhé.
Sơ yếu lý lịch công chứng ở đâu?
Sơ yếu lý lịch còn được gọi với cái tên khác là sơ yếu lý lịch tự thuật. Đây là tờ khai các thông tin tổng quan liên quan đến ứng cử viên xin việc. Những thông tin này sẽ bao gồm các thông tin cá nhân cũng như thông tin về nhân thân (bố, mẹ, vợ, chồng, chị, anh, em,...) của ứng viên đó. Sơ yếu lý lịch là loại giấy tờ quan trọng cần có để hoàn thiện bộ hồ sơ xin việc hoặc khi thực hiện các thủ tục liên quan đến hành chính, pháp luật.
Trên thực tế, không ít ứng cử viên khi đi xin việc thường có sự nhầm lẫn giữa sơ yếu lý lịch và CV xin việc là một loại. Tuy nhiên, sự thật thì cả hai loại giấy tờ này hoàn toàn khác nhau. Nếu CV chỉ chứa các thông tin liên quan đến một chủ thể duy nhất là ứng viên thì sơ yếu lý lịch có tính chất tổng quát hơn khi bao gồm cả thông tin của ứng viên và người thân trong gia đình của họ.
Trên thị trường, sơ yếu lý lịch sẽ tồn tại dưới hai dạng quen thuộc là loại mẫu in sẵn và sơ yếu lý lịch viết tay. Loại viết tay được trình bày rõ ràng và đẹp mắt trên khổ giấy A4. Khi làm sơ yếu lý lịch ở dạng này, ứng viên cần có sự khéo léo và tỉ mỉ trong từng con chữ và cách trình bày để đảm bảo bố cục hài hòa cho trang giấy. Loại in sẵn dường như phổ biến và được nhiều người sử dụng hơn. Bởi tính tiện lợi và nhanh gọn mà mẫu sơ yếu lý lịch in sẵn mang lại cho người dùng. Toàn bộ thông tin đều được in một cách đầy đủ và chi tiết theo từng đề mục và sẽ được bán kèm theo những loại giấy tờ cần thiết khác như đơn xin việc, giấy khám sức khỏe và giấy khai sinh trong một bộ hồ sơ xin việc hoàn chỉnh. Ứng viên chỉ cần kê khai một cách chuẩn xác theo như các thông tin đã được đề cập sẵn.
Xem thêm: Xử lý lỗ hổng thời gian trong sơ yếu lý lịch
Một sơ yếu lý lịch được xem là có giá trị luật pháp khi được công chứng đầy đủ. Vì vậy, nhiều người thường thắc mắc sơ yếu lý lịch công chứng ở đâu thì an toàn và hợp lệ? Thực tế, theo Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì sơ yếu lý lịch theo quy định về thẩm quyền được chứng thực chữ ký tại các cơ sở như sau:
- Bất kỳ địa chỉ UBND thuộc phường, xã hoặc phòng tư pháp từ cấp huyện trở lên (không cần bắt buộc phải công chứng tại khu vực theo như nơi ghi trên hộ khẩu thường trú).
- Bất kỳ phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng uy tín được cấp phép hoạt động trên thị trường.
- Những cơ quan đại diện ngoại giao hoặc các cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (đối với những người đang ở nước ngoài).
Xem thêm: Độ dài “chuẩn” cho bản sơ yếu lý lịch
Sơ yếu lý lịch công chứng ở UBND thuộc phường, xã hoặc phòng tư pháp từ cấp huyện trở lên (Nguồn: Internet)
Sơ yếu lý lịch công chứng cần những giấy tờ gì?
Bên cạnh thắc mắc sơ yếu lý lịch công chứng ở xã, tỉnh khác được không nhiều người cũng tự hỏi sơ yếu lý lịch công chứng cần gì? Theo như quy định trong Điều 24 của Nghị định 23/2015, người yêu cầu chứng thực chữ ký sơ yếu lý lịch cần phải xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ như sau trong quá trình công chứng sơ yếu lý lịch:
- Bản chính hoặc bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu đã được chứng thực từ địa phương và vẫn còn giá trị sử dụng.
- Sơ yếu lý lịch tự khai.
Trong quá trình thực hiện chứng thực sơ yếu lý lịch, người tiến hành chứng thực sẽ kiểm tra toàn bộ những loại giấy tờ nêu trên. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ xác nhận rằng người yêu cầu chứng thực không được chứng thực chữ ký trước khi được bên chứng thực yêu cầu.
Sau đó, người yêu cầu sẽ bắt đầu chứng thực chữ ký trước mặt người chứng thực và thực hiện chứng thực như sau:
- Ghi rõ ràng và đầy đủ lời chứng chứng thực chữ ký theo như mẫu mà Nhà nước đã quy định.
- Ký và ghi rõ họ tên. Sau đó, bên chứng thực sẽ tiến hành đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực rồi ghi thông tin vào sổ chứng thực để lưu trữ và kiểm tra lại khi cần thiết.
Đối với giấy tờ hoặc các loại văn bản có từ 02 trang trở lên thì người yêu cầu chứng thực cần ghi lời chứng vào trang cuối cùng. Lúc này, các loại giấy tờ cũng cần phải được đóng dấu giáp lai.
Trường hợp chứng thực chữ ký tại những bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo hình thức một cửa (một cửa liên thông) thì bên công chức sẽ tiếp nhận hồ sơ và tiến hành kiểm tra các giấy tờ. Trong trường hợp xác nhận đủ điều kiện chứng thực thì bên thực thi sẽ đề nghị người yêu cầu chứng thực ký vào giấy tờ cần chứng thực rồi chuyển đến tay người có thẩm quyền để tiến hành ký chứng thực.
Xem thêm: 4 sai lầm chết người của một bản sơ yếu lý lịch
Công chứng sơ yếu lý lịch cần mang theo giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu (Nguồn: Internet)