Blog PhamTon năm thứ mười bốn, kỳ 2 tháng 9 năm 2022.
Phạm Tôn Tôn Thất Thành
Năm 18 tuổi, mẹ tôi về làm dâu một gia đình họ Tôn Thất xứ Huế. Gia đình rất mong trưởng nam là bố tôi có người nối dõi. Nhưng mẹ tôi sinh đầu lòng hai ả tố nga. Rồi lại sinh một gái nữa cũng xinh đẹp nhưng mạnh khỏe bạo dạn như con trai. Bà con bên nội bảo: Rứa là sắp sinh con trai rồi! Mà đúng thế, anh tôi là đích tôn ra đời. Cả nhà mừng, nhất là mẹ tôi. Sau đó, cứ ba năm mẹ tôi lại sinh cho gia đình một con trai. Ai cũng mừng. Mẹ bảo: Có gì mà mừng. Không con trai thì con gì…
Anh tôi nhiều bạn tốt, thông minh. Đi đâu anh cũng cho tôi đi theo, cho nên tôi cũng thân với các bạn anh. Bốn giờ sáng, cùng đi xe đạp đèo nhau lên tận hồ Quảng Bá bơi. Có khi đi chơi xa tận Hà Đông cách hơn 10km. Chỉ có một chiếc xe đạp nhỏ sơn đỏ của anh Nguyễn Kim Xuyên. Anh Xuyên đèo tôi đi trước, đến một cột đèn thì bảo đứng đấy, rồi anh về đón anh tôi, anh lại tôi đèo anh ấy đến chỗ tôi. Cứ cuốn chiếu như thế, hai anh cũng đưa được cả ba anh em đến Hà Đông. Chơi chán lại cuốn chiếu đạp xe đưa nhau về. Rồi anh Lưu Đức Thụy ở ngõ Nội Vũ mượn máy chiếu phim 8mm về nhà tôi chiếu phim câm. Chúng tôi được xem Charlot, Harold Loyd và cả Max Brothres nữa. Và còn nhiều trò chơi khác.
Anh em tôi học xong là đi chơi suốt, tôi thấy tội nghiệp em trai kém mình cũng ba tuổi khi nào cũng ở nhà chơi một mình.
Hà Nội giải phóng, tôi đã học lớp đệ tứ cuối cấp hai. Anh tôi đang học đệ nhị chuyên khoa, thì bị lao phải nghỉ. Một chị cùng lớp ngày nào cũng đến cùng học để anh theo kịp chương trình qua bài chị ghi chép ở trường. Nhà tôi hồi ấy vẫn mở cửa hàng may y phục phụ nữ và trẻ em Việt An, đời sống ổn định. Anh được tiêm Stréptômyxin hằng ngày cho đến khỏi. Vừa khỏi thì trường đại học bách khoa Hà Nội mở khóa đầu thiếu người dự thi cho nên cho cả những ai học xong lớp đệ nhị cũng được dự thi. Anh đỗ và thành sinh viên ngành kiến trúc.
Em tôi mới hơn 10 tuổi, lấy ngay số lọ Stréptômyxin anh tôi tiêm rất nhiều, xếp thành hàng, gọi là quân đội mũ đồng, một mình chơi trò hai đội quân đánh nhau. Cái nắp cao su có vành đai nhôm trông thật giống mũ đồng.
Tôi say mê với công tác hiệu đoàn ở trường đi họp hành suốt. Lại còn dạy xóa nạn mù chữ trưa và tối nên gần như suốt ngày không ở nhà.
Về nhà, thấy em chơi quân đội mũ đồng say mê, tôi muốn góp phần làm trò chơi thú vị hơn. Tôi lấy một ngăn gỗ nhỏ đựng đồ lặt vặt có hai ô, gá thêm phía trước một miếng gỗ sù sì làm thành như chiếc tàu của bọn cướp biển. Có cả cột cờ như trong các phim phiêu lưu trên biển chúng tôi xem nhiều hồi trước giải phóng. Tôi đưa cho em trai, giới thiệu khu chỉ huy, khu tập hợp binh sĩ. Em thích lắm, đem ngay đội quân mũ đồng đặt lên tàu, chọn một chai cao, cũng có mũ đồng lại màu nâu là chai thuốc bổ Campolonc anh tôi tiêm bồi dưỡng khi bị bệnh, cho làm chỉ huy. Thấy em vui chơi, tôi cảm thấy nhẹ lòng, bớt mặc cảm bỏ rơi em.
Nhưng chơi như thế mãi rồi chắc cũng chán…
Một hôm tôi ghé nhà lấy sách vở, nghe buồng trong có tiếng em tôi nói rõ ràng, nghiêm trang: Các em giữ trật tự. Hôm nay chúng ta vào bài học mới… Lén nhìn vào buồng trong, thấy em trai tay cầm cái thước dài, đang giảng bài cho mấy… con mèo mướp, tam thể, lang đen trắng… Nhà tôi ai cũng yêu mèo. Khi số mèo nuôi đông nhất lên đến chín con: trời nắng, chúng nằm dài sưởi ấm, ở các bậc cầu thang lên tầng 2. Không hiểu bằng cách nào thầy giáo là em trai tôi mười tuổi sắp xếp được lớp học mèo như vậy…
Sau này, mới biết năng khiếu sư phạm của em bắt đầu từ đấy. Có lẽ di truyền từ bố tôi, một giáo sư trụ cột của trường Thăng Long (Ngõ Trạm, Hà Nội) xưa.
Cuối năm 1962, em vào thăm tôi tại san L12A là khoa Lao bệnh viện Bạch Mai bàn với tôi về việc vào đời, nói là đã đến phòng lao động khu Hoàn Kiếm nhiều lần, chỉ thấy thông báo tuyển chọn giáo viên dạy cấp hai ở ngoại thành Hà Nội. Lấy học sinh tốt nghiêp lớp 10, học nghiệp vụ sư phạm trong hai tháng (gọi là 10+2). Em còn do dự. Tôi bảo em ghi tên ngay. Cơ hội thế này là rất hiếm. Nhà mình cũng kiệt quệ rồi, không còn có thể cứ học rồi thi mãi. Mà thi nữa, liệu có ai cho đỗ không.
Từ đấy, em tôi vào nghề giáo, làm giáo viên dạy Văn (không phải Toán) trường cấp 2 Đông Anh Hà Nội.
Bây giờ thì ai cũng biết: Thầy Tôn Thân, nhà giáo nhân dân… “Có thể mở Google, mục Thầy Tôn Thân và các video “Người thầy của tôi” hay “Nhật ký người Việt” ((15/2/2022)” y nguyên như tin nhắn của em cho tôi 7:33 ngày 28/3/2021.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 30/7/2022
P.T.